Đêm Giao thừa đã trở thành một ngày lễ quan trọng trên toàn thế giới và thường được chào đón bằng những chùm pháo hoa rực rỡ hay những buổi tiệc tùng và lời chúc nhau năm mới an lành, hạnh phúc của mọi người. Tuy nhiên, mỗi quốc gia khác nhau lại đón năm mới với các truyền thống văn hóa, phong tục tập quán độc đáo khác nhau.
Scotland sử dụng những quả cầu lửa lớn trong lễ hội Hogmanay vào đêm Giao thừa để xua đuổi ma quỷ
Lễ hội thổi lửa Hogmanay nổi tiếng nhất của Scotland là ở Stonehaven, nơi diễn ra cuộc diễu hành hoành tráng của rất nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp. Người dân biểu diễn với những ngọn lửa, quay những quả cầu lửa ngay phía trên đầu rồi ném xuống biển.
Canada – Giao thừa là thời gian để câu cá trên sông băng
Ở các vùng nông thôn của Canada, đêm giao thừa là thời gian để đi câu cá trên sông băng cùng bạn bè. Người dân có thể câu cá trên các ao và sông đóng băng suốt đêm đầu năm ở ngoài trời hoặc trong các túp lều có thiết bị sưởi.
Người Colombia thường “du lịch” quanh nhà ở với một chiếc vali… rỗng
Với hy vọng về một năm lấp đầy với các hoạt động du lịch và phiêu lưu, người dân Colombia thường đi bộ quanh khu nhà với một chiếc vali rỗng vào đêm giao thừa.
Phần Lan dự đoán may mắn trong năm bằng chiếc thau đun nóng chảy
Người Phần Lan dự đoán năm tới bằng cách đúc thiếc nóng chảy vào một thau nước, sau đó diễn giải hình dạng của kim loại này sau khi cứng lại. Hình trái tim hoặc chiếc nhẫn có nghĩa là một đám cưới, trong khi con tàu dự đoán về việc đi du lịch và hình con lợn tượng trưng cho năm mới no đủ, có nhiều thức ăn.
Đêm giao thừa người Tây Ban Nha sẽ ăn 12 quả nho
Ở Tây Ban Nha, người dân có phong tục ăn 12 quả nho, từng quả một, vào thời khắc đếm ngược sang năm mới. Mỗi quả nho tượng trưng cho sự may mắn trong một tháng của năm sắp tới. Bất kỳ ai không ăn hết nho vào thời điểm đồng hồ ngừng kêu thì có thể đối mặt với 12 tháng xui xẻo. Ở các thành phố lớn như Madrid và Barcelona, mọi người tụ tập tại các quảng trường để cùng ăn nho và chuyền nhau những chai rượu cava.
Hy Lạp treo hành tây
Theo truyền thống, vào năm mới, hành tây được treo trên cửa trước các ngôi nhà ở Hy Lạp như biểu tượng của sự tái sinh. Đêm giao thừa, các bậc phụ huynh sẽ đánh thức con cái bằng cách dùng hành tây đập vào đầu.
Đan Mạch ném bát đĩa vỡ tan tành để thể hiện tình cảm bền chặt
Người dân Đan Mạch chào năm mới bằng cách ném đĩa, ly, đồ sành sứ cũ vào cửa nhà của người thân, bạn bè. Việc này thể hiện tình cảm mãi bền chặt và cũng được cho là mang lại may mắn. Gia đình nào càng có nhiều đĩa vỡ, càng có thể mong đợi nhiều vận may đến trong năm mới. Bên cạnh đó, họ cũng đứng trên ghế và cùng nhảy xuống vào lúc nửa đêm để “nhảy” sang năm mới.
Brazil và cách chọn đồ lót đặc biệt
Tại Brazil, cũng như các quốc gia Trung và Nam Mỹ khác như Ecuador, Bolivia và Venezuela, người ta cho rằng may mắn sẽ đến khi mặc đồ lót đặc biệt vào đêm giao thừa. Màu sắc phổ biến nhất là màu đỏ, với ý nghĩa có tình yêu trong năm mới và màu vàng mang đến tiền bạc.
Philippines – càng nhiều hình tròn càng may mắn
Bàn ăn ở Philippines thường được bày đầy trái cây tròn trong đêm giao thừa. Các hình tròn tượng trưng cho tiền xu. Bạn càng có nhiều đồ trên bàn, năm mới của bạn càng thịnh vượng. Nhiều người ăn đúng 12 quả tròn (phổ biến nhất là nho) hoặc mặc đồ chấm bi để cầu may.
Người Siberia trồng cây dưới sông băng vào đêm Giao thừa như một biểu tượng cho sự khởi đầu mới
Những người thợ lặn can đảm nơi đây đã bất chấp thời tiết khắc nghiệt để trồng cây dưới hồ nước đóng băng. Yolka là một loại cây gỗ đặc trưng trong dịp Năm mới của người Siberia đánh dấu sự xuất hiện của Vị thần mùa đông và tượng trưng cho sự khởi đầu mới. Bên cạnh đó, họ còn thực hiện một thử thách “khó nhằn” không kém theo phong tục truyền thống là nhảy vào hồ băng.
Người Trung Quốc sơn cửa trước màu đỏ để gặp nhiều may mắn trong năm mới
Vào dịp Tết Nguyên đán, người Trung Quốc thường sơn cửa ra vào và trang trí các cửa sổ bằng màu đỏ để cầu mong may mắn trong năm tới. Đỏ là màu may mắn và hạnh phúc nhất theo quan niệm của người Trung Quốc.