Du lịch tâm linh Tây Nam Bộ

“Muỗi kêu như sáo thổi

Đỉa lội như bánh canh

Cỏ mọc thành tinh

Rắn đồng biết gáy”

Từ bao đời nay, miệt Tây Nam Bộ không chỉ mang trên mình những vườn trái cây trĩu quả, những tấm áo bà ba ướt đẫm mồ hôi trên mấy cánh đồng chất đầy lúa chín mà còn là sự linh thiêng kỳ lạ như hiện hữu trong từng hàng cây ngọn cỏ.

Chính vì vậy, không mấy lạ kỳ khi nơi đây cũng tập hợp rất nhiều công trình do người dân xây dựng nên để thờ cúng, lưu giữ nhiều giá trị tâm linh huyền bí. Đây cũng chính là chỗ dựa niềm tin của mỗi người dân, là nơi để người ta gửi gắm những lời cầu nguyện. Người ta cầu cho gia đạo bình an, cầu cho mưa thuận gió hòa.

Sau đây, Phong Cách Việt Travel xin được gợi ý cho bạn những điểm đến du lịch tâm linh tại miền Tây được du khách lựa chọn nhiều nhất:

1. Miếu bà chúa Xứ

Miếu bà chúa Xứ An Giang gần như là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất vùng Tây Nam bộ. Nằm ngay dưới chân núi Sam, Miếu Bà thu hút du khách thập phương vì sự linh thiêng cùng nhiều giai thoại kỳ bí xung quanh.

Ngày đầu, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm quay về hướng tây bắc, phần lưng thì tựa vào vách núi. Vào năm 1870, miếu được người dân xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Trong 4 năm từ 1972 đến 1976, miếu Bà được hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng tái thiết lớn tạo nên dáng vẻ như hiện nay.

Tượng Bà Chúa Xứ được đặt ngay chính điện. Theo nghiên cứu của nhà khảo cổ học người Pháp Malleret nghiên cứu vào năm 1941, ông cho biết tượng bà là tượng thần Vishnu (nam thần). Tạc dáng người nghĩ ngợi, quý phái, chất lượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao. Bức tượng được tạc vào cuối thế kỷ 6 và rất có thể đây một trong số hiện vật cổ còn sót lại của nền văn hóa Óc Eo xưa. Vào năm 2009, tượng Bà được ghi vào sách Kỷ lục An Giang là bức tượng bằng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam và có áo phụng cúng nhiều nhất.

23/4 đến 27/4 Âm lịch hàng năm, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được tổ chức vô cùng long trọng. Đây cũng là dịp mà nhiều tín đồ từ khắp nơi đổ về kính dâng cho bà những lễ vật phong phú cùng mong muốn được nhiều điều tốt đẹp. Năm 2015, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Xem thêm: TOUR DU LỊCH CHÂU ĐỐC-NÚI SAM-NÚI CẤM-CHỢ TỊNH BIÊN

2. Quán Âm Phật Đài – Phật Bà Nam Hải

Mẹ Nam Hải là một tượng Quan Thế Âm Bồ Tát nằm ở tỉnh Bạc Liêu. Ngoài Miếu bà chúa Xứ thì nơi đây có lượng tín đồ hành hương đông đảo nhất. Hàng năm nó thu hút hàng trăm người về đây hành hương. Đặc biệt, nơi đây có pho tượng mẹ Nam Hải cao 11m, là công trình tượng phật Bà lớn nhất tỉnh Bạc Liêu.

Ban đầu, chùa mẹ Nam Hải ở Bạc Liêu là một căn nhà lá đơn sơ thờ phụng Quan Thế Âm Bồ Tát. Nó nằm ở một khu đất nhỏ ven biển, với xung quanh là bùn lầy và những rừng cây mắm, đước. Tương truyền ngôi chùa này lập nên để cầu an cho những người đi biển. Mong Phật bà phù hộ người dân đánh bắt xa bờ về nhà an toàn. Đến năm 1973, Hòa thượng Thích Trí Đức đến đây, nhận ra sự linh thiêng thần thành nơi này nên đã cho xây dựng thành ngôi chùa khang trang hơn. Hòa thượng đã cho xây một Quan Thế Âm Bộ Tát cao 11m (Chưa tính phần bệ tượng) với tầm nhìn ra biển. Tượng xây trong 2 năm, đến năm 1975 thì hoàn thành.

Quan Âm Phật Đài có không gian rộng rãi, thoáng mát với gió biển thổi vào. Bước qua cổng tam quan là cổng trời, tiếp đó là bức bình phong Hàng Long – Phục Hổ rất uy nghi. Liền kề bức bình phong là đại điện rộng lớn với cột phướn cao lên đến 49 mét. Từ đây du khách bắt gặp tượng Quan Âm Bồ Tát ngự trên tòa sen, hai bên là điện Thiên Phủ và điện Địa Tạng. Phía trước sân lễ là bức bình phong Phục Hổ và 32 pho tượng Bồ Tát hóa thân. Tất cả đều hòa hợp tạo nên một không gian văn hóa tấm linh uy nghi, trang nghiêm.

Lễ hội Quán Âm Nam Hải là lễ hội được tổ chức thường niên vào ngày 22 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội Phật giáo lớn nhất ở Bạc Liêu và miền Tây Nam bộ. Lễ hội này đã được hội Phật giáo Việt Nam công nhận là một lễ hội chính thức của Phật giáo Việt Nam.

Xem thêm: TOUR MẸ NAM HẢI – MỘ CHA DIỆP 1N1Đ

3. Chùa Xiêm Cán

Chùa Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa Khmer lớn và đẹp lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam bộ. Sự uy nghi và kiến trúc tuyệt đẹp của chùa Xiêm Cán luôn để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách.

Dựa theo ghi chép trên bia đá được tạc bằng chữ Khmer cổ tại đây thì chùa Xiêm Cán được khởi công xây dựng vào ngày 7 tháng 5 dương lịch năm 1887. Chùa Xiêm Cán không phải là ngôi chùa Khmer cổ nhất ở khu vực này. Tuy nhiên, ngôi chùa này luôn là điểm dừng chân của du khách mỗi khi đặt chân đến Bạc Liêu, bởi những đường nét hoa văn tinh xảo, lối kiến trúc độc đáo.

Người có công xây dựng chùa là vợ chồng ông Nên (63 tuổi), và bà Ngét (54 tuổi) – một gia đình giàu có trong Phum (xóm, làng) rất tín ngưỡng phật pháp. Cùng góp sức còn có 30 hộ gia đình khác hàng ngày khai phá để lấy cây, đất xây cất chùa.

Sau hơn hai tháng thi công và hoàn thành, bà con trong phum sóc họp bàn rồi đến mới Pháp sư Thạch Mau (1829 – 1909); một người am hiểu kinh kệ, tinh thông phật pháp về làm trụ trị chùa.

Theo tâm tư nguyện vọng cũng như sự đề bạt chân thành của bà con. Pháp sư Thạch Mau về trụ trì chùa và trở thành vị trụ trì đầu tiên của chùa Xiêm Cán. Đến nay, ngôi chùa Khmer đẹp ở miền Tây này đã trải qua 9 đời trụ trì và một vài lần trùng tu, sửa chữa. 

Điều khác biệt của chùa Khmer với những ngôi chùa bình thường khác chính là sự tinh tế, tỉ mẩn trong từng vách từng, mái nhà và trụ cột. Có đi sâu vào khuôn viên bên trong và nhìn ngắm thật kỹ, bạn mới cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp mà chùa Xiêm Cán sở hữu. 

Chùa là một tổng thể kiến trúc gồm nhiều hạng mục như: tường thành bao quanh, cổng tam quan, chính điện, sala, tháp chuông, cột trụ biểu, khu mộ tháp, nơi nghỉ ngơi của các sư, giảng đường … Tất cả các hạng mục đều thể hiện rõ phong cách Angkor Khmer truyền thống và đều quay về một hướng, đó là hướng Đông.

Đến Bạc Liêu vào những dịp lễ hội lớn như Ok Om bok, Tết Chol Chnam Thmay, lễ Đôn Ta, bạn sẽ thấy chùa Xiêm Cán được trang hoàng lộng lẫy. Không khí trong chùa những ngày này thật rộn ràng với ca hát, vũ hội…

4. Nhà thờ Tắc Sậy

Nhà thờ Tắc Sậy được xem là một nhánh của họ đạo Bạc Liêu ngày xưa. Ban đầu nơi đây được Cha Jules DUCQUET một linh mục người Pháp đến truyền đạo. Sau đó Cha đã thành lập 4 họ đạo ở khu vực miền Tây trong đó có họ đạo Bạc Liêu.

 Năm 1925, nhà thờ Tắc Sậy được thành lập. Tháng 8 năm 1926, cha Phaolô Trần Minh Kính được cử về làm cha xứ đầu tiên của nhà thờ. Đến tháng 3 năm 1930 thì cha Phanxico Trương Bửu Diệp về nhận nhiệm sở mới thay cha Kính. Trong thời gian ở đây, cha Diệp đã chuyển nhà thờ từ phía trong ra ngoài mặt tiền như vị trí hiện tại. Cha Diệp cũng là người có công to lớn trong việc hình thành và phát triển nhà thờ Tắc Sậy. Nhà thờ Tắc Sậy – nơi gắn liền với một nhân vật nổi tiếng – cha Trương Bửu Diệp, vị linh mục được xem như một vị thánh bởi sự linh thiêng, thi ân giáng phúc cho những ai tin tưởng nguyện cầu.

Mộ cha

Phần mộ cha Trương Bửu Diệp

Đến đây, mọi người sẽ cảm nhận được sự tĩnh tâm, thanh thản, gạt bỏ những ưu phiền, lo toan thường nhật. Nhà thờ lập ra với mong muốn tạo dựng cho mỗi con người một cuộc sống yên vui, tốt lành, bao dung và đầy lòng nhân ái. Hàng năm, đặc biệt là ngày 11 và 12 tháng 3, đông đảo người dân từ nhiều nơi đến hành hương và tham quan Thánh đường Tắc Sậy và phần mộ của Cha Diệp.

Xem thêm: TOUR MẸ NAM HẢI – MỘ CHA DIỆP 1N1Đ

5. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Góc nhìn trên cao

Thiền viện nhìn từ trên cao.

Thiền viện trúc lâm Phương Nam tọa lạc tại địa phận ấp Nhơn Mỹ, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 15 km. 

Thiền viện trúc lâm Phương Nam được khởi dựng từ tháng 7 năm 2013 và chính thức khánh thành vào ngày 17 tháng 5 năm 2014, là một trong những công trình Phật giáo lớn nhất ở Tây Nam Bộ.

Thiền viện theo phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị vua đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên xâm lược. Khi đất nước thái bình, vua đã nhường ngôi lại cho con trai và một mình đến núi Yên Tử tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên tử.

Vì là ngôi chùa thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử nên hầu hết các hạng mục đều mang đậm lối phong cách kiến trúc thuần Việt thời Lý – Trần.

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được xem là một trong những công trình nghệ thuật độc đáo nhất của xứ Tây Đô. Đến thăm thiền viện Trúc Lâm Phương Nam là tìm về với không gian của cõi tĩnh, tâm hồn được gột sạch mọi bụi bặm của trần thế. Ở đây bạn sẽ được học về những triết lý sống đơn giản nhất từ nhà Phật mà vô cùng sâu sắc. Bước vào thiền viện có cảm giác như bước vào một thế giới khác, nơi mà mọi thứ xô bồ không tồn tại, chỉ có những tấm lòng thanh khiết hướng về cửa Phật.

6. Chùa Dơi (Sóc Trăng)

Theo thư tịch cổ của Chùa còn để lại: Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1569 dương lịch là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng. Do ông Thạch Út đứng ra xây dựng. Từ trước đến nay chùa được trùng tu nhiều lần, năm 1960 Chùa sửa chữa lớn ở chánh điện, đến năm 2008 chùa bị cháy chánh điện. Vào tháng 4 năm 2009, chánh điện chùa đã được phục chế lại như cũ.

Ngôi chính điện có chiều dài 20m8, chiều rộng 11m3; được xây dựng trên nền cao hơn mặt đất tự nhiên 1m bao quanh là đá kết xi-măng. Mặt bằng chính điện hình chữ nhật trải dài theo hướng Đông Tây. Cửa chính quay ra hướng Đông.

Toàn bộ mái chùa là cả một công trình kiến trúc vĩ đại thể hiện quan niệm, triết lý về Phật, Trời của người Khmer.

Bước vào nội thất chánh điện, du khách sẽ có dịp trực tiếp chiêm ngưỡng và khám phá thêm những nét văn hóa truyền thống đặc sắc Khmer Nam bộ với vô số tượng phật lớn, nhỏ và pho tượng phật Đức Thích Ca Mâu Ni được sơn son thiếp vàng, cao khoảng 2m, được tôn trí trên bệ thờ cao một mét rưỡi.

Tại chùa Dơi Sóc Trăng còn có những bộ kinh được ghi trên lá cây thốt nốt, hiện vật, sử sách,… vô cùng quý hiếm mang giá trị văn hóa đặc trưng của người dân miền Tây Nam Bộ cần được bảo tồn. Thưởng thức màn hòa tấu của dàn ngạc ngũ âm, ngắm chiếc ghe ngo truyền thống của người Khmer được trưng bày trong chùa.

Điều thích thú nhất với du khách khi đến chùa Mã Tộc là được chiêm ngưỡng cảnh hàng nghìn chú dơi treo mình lủng lẳng như trái cây trên cành lá. Lúc cao điểm chùa thu hút tới hơn một triệu con dơi. Mặc dù ở Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa thanh tịnh, vườn cây bóng mát, nhưng việc dơi chỉ chọn chùa Mã Tộc làm nơi cư trú dường như vẫn là điều bí ẩn. Chúng chỉ đậu trên những tán cây trong khuôn viên chùa, tuyệt nhiên không đậu ở bên ngoài.

Chùa Dơi là ngôi chùa đầu tiên được xếp hạng Di tích Danh thắng cấp Quốc gia ở Sóc Trăng. Đây vừa là trung tâm sinh hoạt giáo dục và tổ chức các lễ hội tôn giáo truyền thống của đồng bào Khmer, vừa là tụ điểm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng cư dân địa phương.

Có dịp du lịch Sóc Trăng, bạn đừng quên ghé thăm Chùa Dơi để cảm nhận nhiều hơn những nét văn hóa của người Khmer, cũng như ngắm nhìn đàn dơi bay rợp trời.

7. Chùa Vĩnh Tràng

Vùng đất Tiền Giang vốnnổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp mang đậm bản sắc vùng sông nước miệt vườn miền Tây Nam bộ. Đặc biệt có một công trình phật giáo nổi tiếng mà du khách không nên bỏ qua đó chính là chùa Vĩnh Tràng – Một ngôi chùa độc đáo có nét giao thoa văn hóa phương Đông và phương Tây cùng hội tụ.

Chùa Vĩnh Tràng có một lịch sử xây dựng nhiều thăng trầm và trải qua nhiều đời thay đổi, tôn tạo. Về lịch sử hình thành, được biết chùa do ông bà Tri huyện Bùi Công Đạt xây dựng thời Minh Mạng, đầu thế kỷ 19. Ban đầu chùa chỉ là một thảo am để làm nơi tu tập những ngày về hưu của ông bà Tri huyện.

Năm 1894, hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) được mời về trụ trì. Về sau ông đã tổ chức xây dựng lại ngôi chùa tự mình gánh đất đắp nền với nhiều sự giúp đỡ của các đạo hữu. Cuối cùng nơi đây đã thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường. Dân gian thường gọi là chùa Vĩnh Tràng.

Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo lối kiến trúc tổng hợp. Kiến trúc này giao thoa giữa nền kiến trúc Á – Âu như kiến trúc Pháp, La Mã, Thái, Miên và Chàm. Bên ngoài chánh điện, du khách sẽ thấy có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng hay vòm cửa theo kiểu La Mã. Đây là bông sắt của Pháp, kia là gạch men của Nhật Bản. Bạn cũng sẽ thấy những nét quen thuộc là chữ Hán viết theo lối chữ triện cổ kính, chữ quốc ngữ viết theo lối chữ Gô-tích.

 

Tượng Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn với sắc thái khuôn mặt an lạc khiến những du khách thập phương hành hương đều cảm thấy thư thái, yên bình. Tượng được bắt đầu khởi công vào ngày 15-2-2012, hoàn thành vào ngày 15-2-2013, khánh thành vào ngày 26-3-2013.

Tượng Phật Di Lặc được tôn trí ngồi giữa công viên chùa cổ Vĩnh Tràng ở TP Mỹ Tho được khánh thành vào ngày 22 tháng 1 năm 2014 với nụ cười hiền hậu.

Với những giá trị lịch sử to lớn và kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Tràng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1984. Kể từ đó, chùa trở thành điểm du lịch Miền Tây thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan chiêm bái. Không chỉ để ngắm một ngôi chùa lớn, người dân còn đến để gửi gắm những ước vọng bình an, trải lòng mình trong một không gian an tịnh.

showroom